Quy trình sản xuất cây tràm giống như thế nào?

Quy trình sản xuất cây tràm giống như thế nào?

Sau khi đã có hạt cây tràm giống thì công đoạn tiếp theo trong quy trình trồng rừng là phải có cây con rễ trần. Sản xuất cây con rễ trần đạt chất lượng cao sẽ tạo điều kiện cho rừng cừ tràm phát triển tốt sau này. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có kĩ thuật quy trình cụ thể, rõ ràng cho tường giai đoạn cụ thể từ hạt giống trở thành cây tràm giống. Vì vậy bài viết này sẽ tập trung đề cập tới vấn đề đó.

Xử lí hạt giống và tiến hành gieo hạt

Đầu tiên phải xác định được thời điểm nào nên tiến hành gieo hạt để không bị ngoại cảnh tác động quá nhiều gây ảnh hưởng tới quá trình nảy mầm của cây tràm.

  • Vùng ngập do nước mưa: chỉ sạ hạt khi mức nước đã ngập cao hơn mặt đất 20cm.
  • Vùng ngập do nước lũ: nước nguồn đổ về khi mức nước ngập cao hơn mặt đất từ 15 cm đến dưới 50cm. Nếu mức nước cao hơn 50cm thì ngưng sạ hạt.
  • Gieo hạt tràm phải tiến hành vào lúc lặng gió.
  • Cường độ dòng chảy không đáng kể.

Xem thêm: Cách phơi quả lấy hạt để sản xuất cây tràm giống

Sau khi xác định được thời điểm gieo hạt tràm thì tiến hành xử lý hạt giống bao gồm 4 bước, đó là:

Bước 1: Làm sạch hạt tràm

Sơ bộ kiểm tra lại hạt sau đó sàng, sảy, loại bỏ tạp vật, hạt kém phẩm chất. Cuối cùng tiến hành rửa hạt bằng nước lã sạch 2 ÷ 3 lần.

Bước 2: Khử trùng hạt tràm

Ngâm hạt vào thuốc tím nồng độ 0,05% (0,5 gam thuốc cho 1 lít nước) trong khoảng thời gian 5 đến 10 phút sau đó vớt hạt rửa sạch bằng thuốc tím.

Bước 3: Ngâm hạt trong nước ấm

Ngâm hạt vào nước nóng nhiệt độ 40 ÷ 450C trong thời gian 6÷ 12 giờ (duy trì nhiệt độ trong thời gian ngâm hạt), hết thời gian ngâm thì rửa lại hạt rồi đem ủ.

Bước 4: Ủ hạt tràm

Cho hạt vào túi vải rồi đem ủ trong tro bếp hoặc cát ẩm Hạt được đem ủ khoảng 36 – 48 giờ. Hàng ngày rửa chua hạt, thấy hạt nứt nanh thì tiến hành gieo.

Sau khi gieo xong tiến hành tưới nước theo tình hình thời tiết và che phủ hạt giống cây tràm. Điều này giúp hạn chế cỏ dại, giúp đất luôn tươi xốp, duy trì được nhiệt độ và độ ẩm tạo điều kiện cho hạt nảy mầm tốt.Khi hạt nảy mầm thì ngay lập tức dở bỏ bạt che để giái phóng cho cây mầm sinh trưởng và phát triển.

Chăm sóc cây tràm ươm rễ trần

Đối với cây rễ trần thường dùng nguồn giống là tràm địa phương nên cây có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh, đặc biệt đối với loài tràm địa phương thì chuột không phá hoại. Cho nên chăm sóc cây ươm rễ trần đơn giản so với cây ươm túi bầu. Các công việc chăm sóc cần làm cho cây ươm rễ trần là: nhổ cỏ, bón phân, tỉa dặm và phòng trừ sâu bệnh cây tràm.

Nhổ cỏ

Thời gian nhổ cỏ nên tiến hành lúc cỏ còn non chưa kết hạt, giai đoạn cây ươm còn non, sức đề kháng yếu, hoặc lúc cây ươm sinh trưởng nhanh nhu cầu nước, dinh dưỡng khoáng và ánh sáng tăng. Khi cây con đạt chiều cao 5 – 10cm thì tiến hành làm cỏ, và sau đó tiếp tục cách 1 tháng làm cỏ tiếp lần sau và cứ như vậy đến khi cây tràm cao đủ khả năng cạnh tranh với cỏ.

Bón phân

Bón phân thúc đẩy cây tràm sinh trưởng nhanh phát triển cân đối, tăng sức đề kháng cho cây. Tuỳ theo giai đoạn sinh trưởng của cây con, độ phì của đất và thời tiết khác nhau mà dùng loại phân, lượng phân bón và số lần bón khác nhau.Thường chia thành 2 loại phân như sau: Cứ 7 – 10 ngày phun phân bón lá/ lần, NPK hoặc DAP 50 – 100kg/ ha và khoảng 10 – 15 ngày trước khi nhổ cây đi trồng thì bổ sung kali 50 – 100kg/ ha.

Tỉa thưa

Tỉa thưa, dặm cây tạo điều kiện cho cây tràm con có khoảng sống thích hợp và đều nhau, đồng thời kết hợp loại bỏ cây xấu, cây sâu bệnh. Cải thiện không gian  dinh dưỡng (nước, dinh dưỡng khoáng và ánh sáng) để cây sinh trưởng nhanh, phát triển cân đối.

Tỉa thưa thường thực hiện với những cây tràm bắt đầu có sự phân hoá. Cường độ tỉa thưa tuỳ thuộc vào tuổi cây, và đất đai…. Trong khi tỉa thưa những cây sinh trưởng kém, cây cong queo, sâu bệnh kết hợp với dặm cây. Khi cây cao trên 10cm, nếu mật độ quá dày thì phải tiến hành tỉa thưa sao cho đến khi nhổ cây đem trồng còn lại 400.000 – 500.000 cây/ha.

Phòng trừ sâu bệnh

Phòng trừ sâu bệnh là công việc bắt buộc phải làm để quy trình sản xuất cây giống nói chung và cây tràm rễ trần nói riêng. Định kỳ phun thuốc phòng bệnh, hiện nay trong vườn ươm tràm thì VibenC là thuốc hữu hiệu nhất để phòng trừ bệnh. Pha VibenC 50g/ 8 lít nước. Khi phát hiện cây con bị bệnh cần ngừng tưới nước, nhổ sạch, cắt bỏ những cây hoặc các bộ phận bị bệnh đem đốt, phun thuốc trừ sâu.

Kết luận

Qua bài viết trên Cừ Tràm Thái Dương đã cho bạn biết quá trình gieo hạt và chăm sóc cây tràm ở giai đoạn nảy mầm là những công đoạn cuối cùng để cho ra những cây tràm rễ trần. Để đạt được năng suất hiệu quả cao nhất thì bắt buộc phải thực hiện đúng quy trình mà bài viết nêu ra, nếu chủ quan bỏ qua giai đoạn nào đó thì kết quả thu được sẽ không được như mong muốn.

0/5 (0 Reviews)